Thứ Năm, 19 tháng 11, 2009

Biểu diễn ca múa nhạc dân tộc tại Nhật Bản ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam

20:41 | 19/10/2007

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, từ ngày 1 đến 21/10, đoàn ca múa nhạc dân tộc nước ta, chủ yếu gồm các nghệ sĩ của Đoàn ca nhạc Bông Sen và Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, đã thực hiện chuyến lưu diễn tại 13 địa phương Nhật Bản. Đây là hoạt động lưu diễn nghệ thuật hàng năm do Hiệp hội thúc đẩy hòa bình và hữu nghị Nhật - Việt (JVPF) và Trung tâm văn hóa hữu nghị quốc tế (IFCC) của Nhật Bản phối hợp tổ chức nhằm hỗ trợ và giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam.


Trong thông điệp gửi người dân Nhật Bản qua chương trình lưu diễn từ thiện lần này, cựu Thủ tướng Nhật Bản Mu-ra-ya-ma (Murayama), Chủ tịch JVPF, nhấn mạnh 32 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, người dân Việt Nam vẫn phải hứng chịu những hậu quả nặng nề của chất độc da cam/ đi-ô-xin. Ông cho rằng việc các nạn nhân Việt Nam khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ đã tạo ra làn sóng mạnh mẽ trên thế giới ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/ đi-ô-xin. Với tinh thần hòa bình và hữu nghị, JVPF hy vọng thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động từ thiện nhằm chia sẻ một phần nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam.


Anh Vũ Quang Luân, đại diện JVPF tại thành phố Hồ Chí Minh, cho biết toàn bộ số tiền quyên góp được trong chuyến lưu diễn lần này sẽ dùng để hỗ trợ Trung tâm phục hồi chức năng vận động và Trung tâm dạy nghề ở tỉnh Thái Bình do JVPF xây dựng năm 2002. Hàng năm, JVPF hỗ trợ khoảng 23.000 USD cho hai trung tâm này thông qua nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có hoạt động lưu diễn nghệ thuật từ thiện. Ngoài mục đích từ thiện, các chuyến lưu diễn sẽ góp phần tăng cường giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa hai nước, giúp người dân Nhật Bản hiểu sâu hơn về nền văn hóa Việt Nam.


Đại sứ nước ta tại Nhật Bản Chu Tuấn Cáp đã đánh giá cao sự giúp đỡ hiệu quả của JVPF và IFCC đối với Việt Nam, đặc biệt là những hoạt động từ thiện của hai tổ chức này nhằm ủng hộ những trẻ em bất hạnh do bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam. Đại sứ mong muốn hai bên tăng cường hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật nhằm nâng cao hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (BTK-TTX)

TP Hồ Chí Minh: Kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật

11:08 | 14/09/2008

Tối 13-9-2008, Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TPHCM đã tổ chức kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21-9-1973 và 21-9-2008).


Đến dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, cựu Thủ tướng MURAYAMA Tomiichi, Chủ tịch Hội đồng phát triển hòa bình hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam (JVPF), Tổng Lãnh sự Nhật Bản Mizuki Ikuo tại TPHCM.


Chiều 13-9, tàu Hòa Bình đã cập cảng Đà Nẵng. Trên tàu có 104 nạn nhân sống sót sau thảm họa nguyên tử ở Hirosima và Nagasaki 63 năm trước đã có buổi giao lưu với các nạn nhân chất độc da cam, dioxin Việt Nam tại Đà Nẵng.


Nguồn Sở Ngoại vụ TPHCM (Theo SGGP)

JVPF thăm Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam


(ĐCSVN) – Từ ngày 19 đến 24/4/2009, đoàn Hội đồng Phát triển hòa bình hữu nghị Nhật – Việt (JVPF) tỉnh Hiroshima do nghị sĩ tỉnh Hiroshima- Trưởng đoàn đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, đoàn đã có buổi làm việc với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam vào ngày 20/4 vừa qua.

Tham gia đoàn có một số các nghị sỹ, công chức và đại diện các doanh nghiệp tại tỉnh Hiroshima. Mục đích chuyến thăm lần này của Đoàn là nhằm tăng cường giao lưu, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân tỉnh Hiroshima và nhân dân Việt Nam, đồng thời kết hợp tìm cơ hội hợp tác đầu tư về công nghệ, giáo dục.

Tại buổi tiếp, nghị sĩ Ihara Osamu đã giới thiệu tình hình phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa của tỉnh Hiroshima, chia sẻ với các bạn Việt Nam những ký ức chiến tranh, về thảm họa từ vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống Hiroshima trong chiến tranh Thế giới lần II. Ông bày tỏ sự cảm thông và xúc động khi nói về những nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam với những điều được tận mắt chứng kiến di chứng chất độc da cam gây ra cho con người khi đi thăm Trung tâm phục hồi chức năng tỉnh Thái Bình.

Hội Thúc đẩy hòa bình hữu nghị Nhật – Việt (JVPF) tỉnh Hiroshima cũng đã có nhiều hoạt động gây quỹ từ thiện ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, JVPF tỉnh Hiroshima đã đón một đoàn văn nghệ Việt Nam sang biểu diễn tại Nhật Bản, qua đó gây quỹ ủng hộ nạn chất độc da cam Việt Nam.

Thay mặt Liên hiệp CTCHN Việt Nam, đồng chí Trần Đắc Lợi đã cảm ơn những hoạt động vì mục đích từ thiện của tổ chức JVPF, bày tỏ sự yêu quý và cảm phục của người dân Việt Nam đối với sự bình dị, lòng nhân ái của ngài Chủ tịch JVPF, cựu Thủ tướng Nhật Bản Murayama Tomiichi. Đồng chí Trần Đắc Lợi khẳng định, nhân dân Việt Nam cảm thông, chia sẻ với nạn nhân bom nguyên tử Nhật Bản. Hàng năm Việt Nam cử đoàn tham gia lễ kỷ niệm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, tham gia hành trình tàu Hòa Bình – Nhật Bản, ủng hộ với các nạn nhân bom nguyên tử Nhật Bản cũng như phản đối sự tồn tại của vũ khí nguyên tử trên các diễn đàn quốc tế.

Ngày 22/4 đoàn cũng sẽ có chuyến thăm và làm việc với tỉnh Quảng Trị. “Quảng Trị và Hiroshima là hai địa phương chịu thảm họa chiến tranh nặng nề nhất của Việt Nam và Nhật Bản, vì vậy có nhiều nét tương đồng. Tôi mong muốn qua chuyến thăm này sẽ xúc tiến để tỉnh Hiroshima và tỉnh Quảng Trị trở thành hai thành phố kết nghĩa”, ông Omasu cho biết./.

Nguồn: Báo ĐCSVN online

Tiểu sử Ngài MURAYAMA Tomiichi

  • 1924 Sinh tại tỉnh Oita
  • 1946 Tốt nghiệp đại học Meiji
  • 1947 Vào Đảng xã hội Nhật Bản
  • 1955 Nghị sĩ thành phố Oita (đến năm 1963)
  • 1963 Nghị sĩ tỉnh Oita (đến năm 1972
  • 1972 Nghị sĩ Quốc Hội Nhật Bản (đến năm 2000)
  • 1993 Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Xã hội Nhật Bản
  • 1994 Trở thành Thủ tướng thứ 81 của Nhật Bản, đứng đầu liên minh 3 đảng ở Nhật. (đến tháng 1 năm 1996)
  • Là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đến thăm Việt Nam (tháng 8-1994), đã hội đàm với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Tổng bí thư Đỗ Mười. Ý nghĩa của chuyến đi thăm này là “Mở ra cánh cửa thời đại mới mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam”. Đặc biệt là sáng kiến mở ra chương trình “Tình bạn giữa Nhật Bản và các nước ASEAN” trong vòng 5 năm sẽ mời 500 thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản giao lưu và học tập
  • 1995 50 năm sau chiến tranh, đã đề xuất chính sách ngoại giao thân thiện giữa Nhật Bản và các nước Châu Á mang tên gọi “Cuộc đàm thoại MURAYAMA”             
  • 1996 Đổi tên Đảng và trở thành Chủ tịch đảng đầu tiên của Đảng Xã hội Dân chủ Nhật Bản (tháng 1 năm 1996)
  • 2000 Hết nhiệm kì trong chính phủ

CÔNG VIỆC HIỆN TẠI

  • Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam JVPF
  • Chủ tịch quỹ Hòa bình vì sự phát triển của phụ nữ
  • Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Nhật - Trung
  • Chủ tịch Hội xúc tiến quan hệ Nhật - Hàn
  • Chủ tịch danh dự Đảng Xã hội Dân chủ Nhật Bản      

NHỮNG HOẠT ĐỘNG VÌ VIỆT NAM

  • 2000 Tháng 2, thành lập Hội đồng Hòa bình Hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam và trở thành Chủ tịch Hội đồng. Trong lời chào mừng sự kiện đó tôi có viết “Vào năm 1994, tôi được vinh dự là Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản đến thăm Việt Nam. Việc được trở thành Chủ tịch Hội đồng hôm nay là mối duyên sâu sắc của tôi đối với Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đã đứng lên xây dựng đất nước từ sự tàn phá của cuộc chiến tranh dài khốc liệt. Nhất định Việt Nam sẽ trở thành một đất nước hùng cường của khu vực Châu Á. Vì sự hòa bình giữa Việt Nam và Nhật Bản với Châu Á thì ngoại giao nhân dân sẽ dần dần trở nên trọng yếu.”
  • 2002 Tháng 2, đến thăm Việt Nam lần thứ hai. Tại TP. Hồ Chí Minh đến chào xã giao Phó Chủ tịch UBNDTP Mai Quốc Bình.
  • JVPF cùng phía Việt Nam là CYDECO, DELISA làm lễ khởi công xây dựng Trung tâm phục hồi cho trẻ em nhiễm chất độc da cam tại tỉnh Thái Bình.
  • Cũng vào dịp đó, đã trao tặng số tiền 80.000 USD do Trung tâm giao lưu văn hóa Quốc tế IFCC thu được qua hoạt động biểu diễn của các đoàn ca nhạc dân tộc Việt Nam.
  • Từ năm 1996, Trung tâm giao lưu văn hóa Quốc tế IFCC hàng năm đã mời các đoàn ca nhạc dân tộc Việt Nam sang Nhật Bản biểu diễn để quyên góp cho Việt Nam. Kể từ năm 2006, IFCC và JVPF cùng kết hợp tổ chức hoạt động này.
  • 2004 Tháng 2, đến thăm Việt Nam lần thứ ba, khánh thành Trung tâm phục hồi cho trẻ em nhiễm chất độc da cam tại tỉnh Thái Bình. Đồng thời cũng đề xuất với Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội giúp sức xây dựng Trung tâm đào tạo nghề cho những nạn nhân chất độc da cam cũng trên địa bàn trên.
  • Trong thời gian đó, hội đàm với Phó Thủ tướng Vũ Khoan
  • 2006 Tháng 10, thăm Việt Nam lần thứ tư để dự lễ Khánh thành Trung tâm đào tạo nghề cho những nạn nhân chất độc da cam, đồng thời đã nhận được sự viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản cho Trung tâm trên.
  • Trong thời gian này đã tham gia lễ phát học bổng lần thứ 2 cho học sinh trung học phổ thông con đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Tây. Quỹ này được bắt đầu vào năm 2005, kỉ niệm 30 ngày thống nhất đất nước Việt Nam JVPF cùng với sự hợp sức của VJFA đã hình thành quỹ “Chương trình chi viện giáo dục” cho Việt Nam.
  • Đợt phát học bổng lần thứ nhất đã trao cho con đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ba Vì vào năm 2005. Chương trình này đã chọn ra được 60 em được hưởng trong 3 năm học (chương trình kết thúc vào tháng 8 năm 2010).
  • Trong thời gian thăm Việt Nam lần này đã hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Một lần nữa, hai bên cùng khảng định về tính cần thiết của phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước; cùng tham gia hội đàm có các nhà kinh tế vùng Kyushu Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc.
  • 2007 Ngày 05 tháng 9, đến Việt Nam lần thứ năm, nhận Huân chương hữu nghị của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao.
  • 2007 Ngày 07 tháng 9, thiết lập Trường Nhật ngữ JVPF (MURAYAMA) tại TP. Hồ Chí Minh. Xuất phát từ tình trạng rất nhiều học sinh Việt Nam đến Nhật Bản học tập nhưng phải bỏ dở giữa chừng. Đó cũng là rất đáng tiếc vì vậy chúng tôi đã mở rộng “Chương trình chi viện giáo dục” theo hướng tiếp theo để đào tạo tiếng Nhật cho học sinh Việt Nam trước khi sang Nhật Bản du học.
  • 2007 Tháng 12, Với tiêu chí tăng cường giao lưu giữa nhân dân hai nước chúng tôi đã tổ chức những hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao bắt đầu từ việc tổ chức cuộc chạy marathon hữu nghị giữa các vận động viên hai nước Nhật Bản – Việt Nam tại Đà Lạt.
  • 2008 Ngày 12 tháng 9, sang thăm Việt Nam lần thứ sáu. Chào xã giao Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài. Ngày 13 dự lễ kỉ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam tại nhà hát Bến Thành. Ngày 14, thăm trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu.
  • Ngày 15 tháng 9, dự lễ chào cờ sáng Thứ Hai tại trường THPT Lê Quý Đôn.
  • Ngày 27 tháng 4 năm 2010 đến Việt Nam lần thứ bảy. Theo lời mời của Chính phủ VN dự lễ kỉ niệm 35 ngày miền Nam giải phóng và thống nhất đất nước. 27~29/4 ở Hà Nội. 29/4~30/4 tại TP Hồ Chí Minh. Tối 29/4 học sinh lớp 10N2/09 tới chào Ngài cựu Thủ tướng tại KS Majestic. Trưa 30/4 Giáo viên Trường Nhật ngữ JVPF (MURAYAMA) và đoàn ca nhạc dân tộc Hoa Đào tới chào Ngài.